Giới thiệu các ngành đào tạo của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và cơ hội việc làm

(ĐHVH) – Trường Đại học Văn hóa Hà Nội được thành lập năm 1959, là đơn vị đào tạo có quy mô tuyển sinh và chất lượng đào tạo hàng đầu về lĩnh vực Văn hóa, Nghệ thuật, Du lịch. Hiện tại, trường đang đào tạo gần 6000 sinh viên đại học chính quy, hơn 2000 học viên hệ vừa làm vừa học và gần 500 học viên sau đại học. Trường đang có các bậc đào tạo: đại học, cao học và nghiên cứu sinh. Đặc biệt, các cấp học đều được liên thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người học nâng cao trình độ.

Các ngành đào tạo hiện có của trường

1. Ngành Quản lý văn hóa:

Người học được trang bị những kiến thức để quản lý, tổ chức, điều hành các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, đáp ứng nhu cầu xây dựng phát triển nền văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Sau khi tốt nghiệp, người học đủ khả năng làm việc tại các Sở Văn hóa, Phòng và Trung tâm văn hóa; các Bộ, Ngành có chức năng xây dựng chính sách văn hóa và quản lý hoạt động văn hóa nghệ thuật; Ban Quản lý các dự án phát triển văn hóa nghệ thuật, các công ty tổ chức sự kiện và hoạt động truyền thông; các đơn vị tổ chức biểu diễn; bộ phận Marketing của doanh nghiệp. (xem chi tiết tại đây)

2. Ngành Việt Nam học (Văn hóa du lịch)

Người học được trang bị những kiến thức lý luận và nghiệp vụ chuyên môn về du lịch một cách hệ thống để có thể thiết kế, tổ chức, quản lý các chương trình du lịch. Sau khi tốt nghiệp, người học đủ khả năng làm việc tại các cơ quan quản lý hoạt động du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch, các cơ quan nghiên cứu và xây dựng chính về du lịch. (xem chi tiết tại đây)

3. Ngành Kinh doanh xuất bản phẩm:

Người học được trang bị những kiến thức cơ bản về nghiệp vụ kinh doanh xuất bản phẩm để có năng lực, khả năng phân tích, nghiên cứu, tổ chức và quản lý hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm. Sau khi tốt nghiệp, người học đủ khả năng làm viêc tại các doanh nghiệp kinh doanh văn hóa phẩm, các cơ quan xuất bản, phát hành; bộ phận phát triển thị trường của các cơ quan báo chí, truyền thông; các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, phát hành. (xem chi tiết tại đây)

4. Ngành Bảo tàng học:

Người học được trang bị những kiến thức cơ bản về Bảo tàng học để người học có đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ được giao tại thiết chế bảo tàng, di tích và tại các cơ quan, các tổ chức chính trị xã hội – xã hội nghề nghiệp có chức năng liên quan đến sự nghiệp bảo tàng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa như các Quỹ Quốc tế về Bảo tồn, các ban Quản lý di tích, các ban Quản lý dự án trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di tích (xem chi tiết tại đây)

5. Ngành Khoa học Thư viện:

Người học được trang bị những kiến thức cơ bản về khoa học thư viện để tổ chức các hoạt động nghiệp vụ trong thư viện và cơ quan thông tin. Sau khi tốt nghiệp, người học có cơ hội làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động thư viện; các thư viện trong toàn hệ thống từ thư viện của các Bộ, Ngành đến tỉnh thành, quận huyện, xã phường, trường học; các Trung tâm lưu trữ; các bộ phận Quản lý dữ liệu của cơ quan, doanh nghiệp. (xem chi tiết tại đây)

6. Ngành Thông tin học:

Người học được trang bị những kiến thức cơ bản để tổ chức hoạt động thông tin: xây dựng, quản trị, khai thác các loại nguồn lực thông tin, xử lý phân tích, tổng hợp và đánh giá thông tin; tổ chức các hoạt động dịch vụ cung cấp thông tin; sử dụng công nghệ hiện đại trong công tác thu thập, tổ chức và phân phối thông tin. Người học có cơ hội làm việc tại các Trung tâm thông tin tư liệu, các doanh nghiệp khai thác và cung cấp dịch vụ tin, bộ phận xử lý và phân tích thông tin của Bộ, Ngành, Tập đoàn; các website và cổng thông tin điện tử…(xem chi tiết tại đây)

7. Ngành Văn hóa dân tộc thiểu số:

Người học được trang bị những kiến thức cơ bản về văn hóa các dân tộc Việt Nam để có thể nghiên cứu, tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa về dân tộc thiểu số. Người học có cơ hội được làm việc tại các Viện Nghiên cứu, các cơ quan làm công tác dân tộc ở Trung ương và địa phương như Ủy ban dân tộc, Hội đồng dân tộc, các Ban dân tộc và Tôn giáo, các Sở Văn hóa, Trung tâm văn hóa. Người học còn có cơ hội làm việc tại các cơ quan an ninh văn hóa, các đơn vị làm công tác quản lý hoạt động có liên quan đến dân tộc thiểu số và vùng biên giới như an ninh, quốc phòng, xuất nhập cảnh; các tổ chức chính phủ và phi chính phủ hỗ trợ phát triển dân tộc thiểu số, các dự án xóa đói giảm nghèo; các cơ quan khác như Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ… (xem chi tiết tại đây)

8. Ngành Sáng tác văn học:

Người học được trang bị những kiến thức cơ bản về văn học và kỹ năng để thực hiện công việc sáng tác, nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học; hoặc đảm nhiệm công việc ở các cơ quan báo chí, xuất bản liên quan đến văn học. (xem chi tiết tại đây)

9. Ngành Báo chí

Người học được trang bị những kiến thức nền tảng của khoa học xã hội và nhân văn, kiến thức cơ sở ngành báo chí, truyền thông và khối kiến chuyên ngành truyền thông, tổ chức và hoạt động tòa soạn, thể loại báo chí, báo trực tuyến, truyền hình. Cùng với đó, người học được rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp như sản xuất tin, bài, phóng sự điều tra; biên tập, dàn trang, trình bày báo in, báo điện tử; tổ chức sự kiện, tổ chức truyền thông nội bộ; sản xuất các chương trình truyền thanh, truyền hình; thiết kế và sản xuất các ấn phẩm quảng cáo, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nghề nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, người học có thể làm phóng viên, bình luận viên, biên tập viên, cộng tác viên, thông tin viên cho các cơ quan truyền thông đại chúng như báo in, đài phát thanh, truyền hình, báo trực tuyến, hãng thông tấn, các cơ quan xuất bản, quảng cáo, quan hệ công chúng; Làm cán bộ chức năng trong các cơ quan quản lý báo chí, xuất bản; Làm cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu về báo chí truyền thông.. (xem chi tiết tại đây)

10. Ngành Văn hóa học:

Người học được trang bị những kiến thức cơ bản để có thể nghiên cứu văn hóa; xây dựng và tổ chức các chương trình truyền thông; tổ chức, điều hành, tư vấn, giám sát các hoạt động văn hóa để phát triển cộng đồng. Sau khi tốt nghiệp, người học có thể giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng; công tác tại các Viện, cơ quan nghiên cứu; các công ty truyền thông; các tổ chức phát triển văn hóa cộng đồng; các đơn vị tổ chức sự kiện; các đơn vị tư vấn xây dựng và quản lý dự án văn hóa. (xem chi tiết tại đây)

11. Ngành Luật:

Người học được trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật, thực tiễn pháp lý và những kiến thức về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội có liên quan đến lĩnh vực pháp luật; bước đầu có định hướng chuyên sâu và rèn luyện kỹ năng thực hành, có thể giải quyết được một số vấn đề thông thường trong lĩnh vực pháp luật. Sau khi tốt nghiệp, người học có thể công tác trong tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, phòng công chứng nhà nước, bộ tư pháp …